Dù trang bị vũ khí tư tưởng khủng, luôn được học tập, quán triệt chủ trương, tinh thần phục vụ, định kỳ tiến hành phê và tự phê nghiêm túc… nạn “phong bì” vẫn tràn lan trong ngành y tế… Tầu.
Ở bển, một số vụ tham nhũng, hối lộ của ngành y vừa bị phanh phui. Dậu đổ bìm leo, báo chí lai rai kể lể vài trường hợp đơn lẻ, chẳng có mấy tính điển hình. Chả hạn chuyện ông nọ đưa người nhà vào viện chỉ được nhìn dửng dưng đến 12 ngày.
Đến khi “chào” thày thuốc bằng phong bì 3000 tệ (480USD), bác sĩ vụt hiện về đúng người thày thuốc nhân dân, tận tụy, hết lòng, lương y đúng là (chứ không phải chỉ như) từ mẫu…
Báo chí bu vào tìm hiểu. Hóa ra người vẫn tốt, việc lâu lâu mới tốt. Chả qua tại lương thấp và ngân sách thiếu... làm thày thuốc đành nhắm mắt xuôi tay nhận đỡ phong bì.
Ở đâu không biết, nhưng ở Tàu có hai loại phong bì: của người bệnh và của hãng dược. Với người bệnh, tuy là bác sĩ 4 tốt, 5 tốt gì cũng giả dửng dưng để kiếm được phong bì. Với hãng dược, ngược lại, cứ cao tay kê nhiều thuốc của hãng, Kê nhiều, thuốc to tiền thì hoa hồng càng to.
Tầu có 2,3 triệu bác sĩ, phần lớn là viên chức, làm công ăn lương. Lương thấp thì tìm cách kiếm thêm.
Một điều nghiên của Ủy ban Kiểm tra - Kỷ luật tỉnh Phúc Kiến cho thấy có tới 90% y bác sĩ tại 73 bệnh viện trong tỉnh dính tham nhũng. Có 10%, dù ở vị trí nào, vẫn nêu gương tốt
Theo chuyên gia Gordon Lưu tại Đại học Bắc Kinh, thu nhập ngoài lương của nhân viên y tế bằng 30% tới gấp 10 lần lương.
Lâu lâu báo chí lại hô hoán lên người nọ người kia bị bắt vì tham nhũng ở bệnh viện. Và vạch ra cho rõ: đó là âm mưu phá hoại của bọn phản động quốc tế câu kết với các thế lực thù địch trong nước. Cụ thể:
Công an vừa vào cuộc, phanh phui được Tập đoàn dược phẩm quốc tế của Anh GlaxoSmithKline (GSK) nhả hoa hồng cho bác sĩ, tổng số tiền to to, hàng trăm triệu đô.
Hãng dược Pháp Sanofi bị tố đưa hối lộ hơn 274.000 USD cho 503 bác sĩ ở 79 bệnh viện tại 4 thành phố Bắc Kinh, Thượng Hải, Quảng Châu và Hàng Châu hồi cuối năm 2007 dưới chiêu bài “tài trợ nghiên cứu”.
Các thế lực động đậy trong nước Tầu lập ra bốn khâu nghe rất có lý trong quy trình đưa thuốc ra thị trường: lập danh mục thuốc được phép bán, chính quyền địa phương chấp thuận, bệnh viện lựa, bác sĩ kê đơn. Mỗi cửa ải này đều phải chi tiền cò, phần ai nấy xơi.
Một nửa giá thuốc là chi “phí”: 15% chi cho các cơ quan chức năng, quản lý, 25% chi cho bệnh viện và bác sĩ, 10% cho nhà phân phối.
Các thế lực tham nhũng và chống tham nhũng trong ngành y ở bển cùng đặt ra nhiều vấn đề, cả lý luận lẫn thực tiễn, kinh nghiệm phong phú, bổ ích cho ngành y nhiều nước đang phát triển…
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét